BlogKimChi.com - Một bài chia sẻ khác thụ vị được đăng tải trên Page của bloger Quỳnh in Seoul. Các bạn trẻ hãy thử đọc bài viết và suy ngẫm nhé :)
Cuộc đời kết thúc ở tuổi 35
Chưa bao giờ mình thấy một thế hệ vội đến như vậy, ở Việt Nam. Mọi người vội học, vội kiếm tiền, vội kết hôn, vội sinh con, vội trưởng thành và vội làm tất cả mọi thứ, như thể cuộc đời chỉ bắt đầu từ năm 22 tuổi và kết thúc ở năm 35 tuổi vậy. Khi còn đi học ở nước ngoài, mình thấy 34 tuổi quay về trường đại học, học năm nhất một ngành nghề mới cũng là chuyện bình thường. Nhưng ở Việt Nam, 24 tuổi mà bạn hiền chưa có câu trả lời chính xác cho cái câu hỏi "Mày đang làm gì đấy?" - thì cảm giác đúng là mông lung vô tận.
Mà không vội làm sao cho được? Khi nhìn xung quanh, người đồng trang lứa đã đánh bắc dẹp tây, tài giỏi quá, mạnh mẽ quá! Bạn hiền bỗng cảm thấy yếu đuối, nghĩ rằng mình chậm chân mất rồi, cảm thấy chẳng làm được đâu, cảm thấy "chuyện cổ tích" ngày nay chẳng phải là chuyện cổ tích, chẳng phải là hoàng tử lấy công chúa nữa...mà là người ta giỏi thật, chăm thật, có vội cũng sao đuổi kịp người ta? Thế là bỗng dưng thấy buồn, thấy nếu trước một mốc tuổi nào đó, 35 chẳng hạn - vẫn chưa đạt được một cái gì, bỏ quên ước mơ và hoài bão, thì có lẽ là buông tay cho rồi.
Ngày nào bố mình cũng xem TV và hét lên bức xúc trước việc trên thời sự người ta cứ nói "cụ ông năm nay ĐÃ 70 tuổi mà vẫn làm abcxyz", theo quan điểm của bố mình thì có 70 (như bố mình bây giờ) thì MỚI chỉ là 70, mới phải. Bố mình cả đời cống hiến, và thật sự cho rằng mới chỉ bắt đầu sướng, bắt đầu được hưởng thụ, được sống 10 năm nay chứ mấy.
Thế, làm sao để cuộc đời không "kết thúc ở tuổi 35" cho dù bạn đang cảm thấy chếnh vếnh đến mức nào đi chăng nữa?
Ảnh từ bài viết gốc |
Ghi nhớ "khuôn mặt" giấc mơ của bạn.
Đêm nào trước khi ngủ, mình cũng mở ảnh những ước mơ của mình ra xem, xem những người mà mình ái mộ. Sáng trước khi ra khỏi giường, mình cũng nhìn ảnh nó. Mình không hỏi vì sao người ta làm được, hay vì sao người ta may mắn nữa. Mình chỉ nói với mình là nhất định một ngày, đó sẽ là mình. Người đứng trong ảnh, ở vị trí đó - nhất định sẽ là mình. Cũng sợ lắm, sợ làm không nổi rồi hỏng, rồi tiếc nuối, nhưng mình mong nó, như mong một đứa con đầu lòng. Người ta bảo là, nếu nghĩ đến ước mơ của mình mà bạn không run lên vì sợ hãi, thì có lẽ bạn chưa mơ lớn lắm. Bạn mơ ước, mong muốn - nhưng chưa từng vét cạn túi vì nó, chưa từng nợ nần vì nó, chưa từng nhìn "ước mơ" của bạn trở thành một khuôn mặt có thật, một giọng nói có thật, thì khó mà bạn có thể phát điên lên vì nó.
Bố mình nói, suốt lúc "còn trẻ và còn sức" đã không bao giờ thôi ngừng nghĩ về những cái gì bố mình muốn. Nghĩ nhiều đến mức, ngủ mơ thấy nó, sáng nghe thấy "nó" gọi dậy, làm đi! Trong những lúc sung túc, vui vẻ cũng không bao giờ quên "nó".
"Nó" không chỉ là "một giấc mơ" nữa. "Nó" trở thành một nhân tố mạnh mẽ hơn cả sức trẻ, trở thành thứ khiến bố mình "Bây giờ, tao MỚI chỉ có 70 thôi!"
Cố lên. Hãy gọi tên ước mơ của bạn, hãy biến nó thành cuộc sống, hãy để nó tiếp sức cho bạn hiền. Bạn vẫn còn trẻ lắm, đừng buông bỏ nó, cho dù bạn hôm nay bao nhiêu tuổi đi chăng nữa, khao khát cái gì đi chăng nữa!
[Nguồn bài viết: FB Quỳnh in Seoul]
Rated 4.6/5 based on 28 votes